TPHCM được gọi là thành phố mở, nơi rất nhiều người nước ngoài tới du lịch, làm việc, sinh sống, đặc biệt tại quận 7. Làm thế nào để tầm soát, kiểm soát và cách ly kịp thời người nước ngoài nghi nhiễm SARS-CoV-2? Quận 7, TPHCM đã dùng các biện pháp “tổng lực” để kiểm soát được gần như hầu hết các ca nghi nhiễm trên địa bàn có 7 vạn người nước ngoài sinh sống, làm việc.
Một phường có 40 tổ công tác
Làm sao tầm soát được các ca nghi nhiễm tại một quận “đa quốc tịch” như quận 7, TPHCM? Nơi đây có 70.000 người nước ngoài thuộc 60 quốc gia khác nhau cùng sinh sống và làm việc.
Một số người nước ngoài ở trong các chung cư, số khác ở nhà liền kề, một số thuê khách sạn, một số thuê nhà dân để ở cùng. Họ có khi ở Việt Nam, có khi ở nước khác, lúc thì sống ở TPHCM, nhưng lại đi làm ở tỉnh khác.
Khi dịch Covid-19 nổ ra, theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND Quận 7, toàn quận “căng như dây đàn”. Vấn đề không chỉ làm sao kiểm soát được tình hình lây nhiễm mà phải giữ được không khí thân thiện, thu hút được trí thức, doanh nhân, các nhà đầu tư nước ngoài tới thành phố. “Chúng tôi phải làm sao để vấn đề kỳ thị không xảy ra, nhất là khi dịch xảy ở Trung Quốc, rồi Hàn Quốc” – bà Ngọc Hiếu nói.
Về mặt chính quyền, không cách gì hữu hiệu hơn là chính quyền phải vào cuộc quyết liệt. “Những phường trọng điểm có nhiều người nước ngoài, mỗi phường chúng tôi bố trí 40 tổ công tác, hoạt động 24 giờ. Các phường khác số lượng tổ công tác có ít hơn, nhưng cũng hoạt động rất quyết liệt. Theo sát mọi biến động về người đi, kẻ đến, những trường hợp đến từ vùng dịch, dù là một, hai giờ sáng, cũng lập tức được cập nhật và được giải quyết” – bà Hiếu cho biết.
Cái hay là một phường có 40 tổ công tác, hiếm khi thấy dân phòng, công an hay lực lượng y tế trên đường. Họ đều âm thầm “lan tỏa” vào các khu dân cư, chung cư, nắm bắt tình hình và giải quyết sự việc phát sinh mau lẹ, dựa trên sự đồng thuận.