Khu The Crescent Phú Mỹ Hưng
Dấu ấn trung tâm thứ 2 của Sài Gòn
Không chỉ là điểm đến rèn luyện sức khoẻ – vui chơi – giải trí, khu The Crescent (Phú Mỹ Hưng) trong mắt người dân Nam Sài Gòn dần trở thành một không gian văn hóa và lưu giữ những kỷ niệm đẹp của họ cùng bạn bè, gia đình.
Hơn 3 năm nay, gần như ngày nào của chị Kim Dương (Cư dân khu Nam Viên – Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM) cũng bắt đầu bằng 1,5 giờ tập thể dục xung quanh Hồ Bán Nguyệt. Khi thì chị chạy dọc theo hàng me tây được trồng ngay ngắn ven bờ hồ, lúc lại đi bộ trên những thảm cỏ quanh năm xanh mướt của công viên Ánh Trăng, bất kể mùa mưa hay nắng. Chị bảo: “Đi bộ quen rồi, hôm nào không đi được thấy trong người khó chịu”.
Khi được hỏi khu Nam Viên cũng có nhiều mảng xanh rất lớn sao chị chọn sang bên này, chị Dương cười: “Chị thích bên này hơn, đường đi bộ rộng, cảnh quan vừa thiên nhiên lại vừa mộc mạc. Hôm nào có dịp đến đây sớm, em sẽ thấy mấy chiếc ghe nhỏ dừng lại thả lưới ở giữa sông hoặc mấy con cò đậu trắng chỗ đảo bảo tồn. Khung cảnh vừa bình yên vừa thư thái”.
Chị vừa nói vừa chỉ tay về chỗ khu đất nổi nằm giữa Hồ Bán Nguyệt và một khúc rạch Thầy Tiêu. Gọi là khu đất, nhưng đất chỗ ấy bị những bụi dừa nước, bần, mái dầm… che lấp kín bưng. Gần 30 năm tồn tại, cây cối cứ tự nhiên mà phát triển, cành lá tua tủa vươn ra mặt nước. Nó giống như một mảng màu đối lập trong bức tranh hiện đại – sầm uất của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, như một góc nhỏ của Nhà Bè xưa mãi song hành cùng tiến trình phát triển của một thành phố.
Giấc mơ biến đồng chua nước mặn thành CBD thứ 2 của Sài Gòn
Nhà Bè xưa, theo lời kể của những người thế hệ trước, là vùng đất “hoang dã, mênh mông nước, chằng chịt kênh rạch và bao la rừng ngập nước”. Hay như trong sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn miêu tả ngắn gọn: “toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”.
Khó mà tưởng tượng, những con người “khai sinh” ra Phú Mỹ Hưng ngày nay đã nhìn vào đâu để thấy tiềm năng biến vùng đầm lầy, mênh mông đất chua nước mặn ấy thành khu đô thị giàu có – tươi đẹp – phát triển như ý nghĩa cái tên của nó. Tầm nhìn ấy, không thể không nói, có ít nhiều sự liều lĩnh.
Ngay từ khi bắt đầu có ý tưởng triển khai dự án, 10 người thì có tới 9 người lắc đầu về quyết định xây dựng khu đô thị từ vùng đất đầm lầy, hoang sơ với một hành lang pháp lý chưa từng có tiền lệ”
ông Trương Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc
Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.
Trong một lần chia sẻ với báo giới, chính ông Trương Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng cũng thắng thắn thừa nhận “Ngay từ khi bắt đầu có ý tưởng triển khai dự án, 10 người thì có tới 9 người lắc đầu về quyết định xây dựng khu đô thị từ vùng đất đầm lầy, hoang sơ với một hành lang pháp lý chưa từng có tiền lệ… Và bản thân tôi, có những giai đoạn, cũng không hề dễ dàng vượt qua sự hoài nghi về ý nghĩ xây dựng một mô hình đô thị hiện đại trên một vùng đất dường như không thể”.
Càng liều lĩnh hơn, khi họ tuyên bố, không chỉ xây dựng nhà cửa và tiên phong phát triển lối sống nhà chung cư hiện đại, nếp sống nhân văn hoàn toàn mới lạ tại khu vực phía Nam, mà còn tham vọng hình thành nên một CBD thứ 2 của TPHCM.
CBD viết tắt từ cụm từ tiếng Anh “central business district” – nghĩa là khu vực kinh doanh trung tâm. Đặc trưng của khu vực là khả năng kết nốt giao thông tốt nhất cộng với sự đa dạng và tập trung các hàng hoá, dịch vụ chuyên biệt hơn bất kỳ nơi nào khác của thành phố. Nó cũng được coi như lõi của thành phố – nơi dân cư đông đúc và lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử trong suốt quá trình hình thành đô thị.
Tại TPHCM, khu CBD thường dùng để nói về quận 1, chủ yếu là khu vực kéo dài từ chợ Bến Thành, dinh Độc Lập đến đường Nguyễn Huệ, ra bến Bạch Đằng. Ít ai biết, trong bản đồ quy hoạch khu đô thị Phú Mỹ Hưng được thành lập từ đầu những năm 1990, một CBD thứ 2 của thành phố đã được gọi tên. Đó là quỹ đất rộng một triệu m2, được liên doanh Phú Mỹ Hưng (nay là công ty TNHH Phát Triển Phú Mỹ Hưng) giữ lại, nhằm mục đích phục vụ cộng đồng. Trong đó, khu The Crescent chiếm diện tích 200.000 m2.
Nhìn vào những bức ảnh tư liệu của Phú Mỹ Hưng, không khó để nhận ra hình dáng của khu The Crescent ngày đấy. Dựa trên thế đất và yêu cầu dành quỹ đất phục vụ cộng đồng của chủ đầu tư, đơn vị quy hoạch là Skidmore, Owings and Merrill (SOM – Mỹ) đã vẽ nên một hình vòng cung ôm lấy rạch Cả Cấm.
Dọc theo cái vòng cung ấy là 4 dãy nhà cao 7 tầng, trung tâm thương mại – văn phòng và căn hộ cho thuê. Các toà nhà được đặt lùi vào trong, tạo không gian lớn để phát triển đường ôtô, lối đi bộ và vỉa hè rộng đến 4 m. Ở giữa hồ, một khu đất rộng chừng 4.530 m2, được giữ nguyên thế đất làm “hòn đảo bảo tồn”. SOM đặt tên cho toàn bộ khu vực đó là khu Hồ Bán Nguyệt hay The Crescent (trong tiếng Anh, crescent có nghĩa là hình bán nguyệt).
Lấy ý tưởng từ vịnh Singapore, The Crescent được quy hoạch với chức năng trở thành “trái tim cộng đồng” của khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Nơi đây tập trung dày đặc nhất các tiện ích về vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực… không chỉ dành riêng cho cư dân toàn khu mà còn mở cho cộng đồng.
Khu Crescent kết nối chặt chẽ với khu Thương mại Tài chính Quốc tế thành CBD thứ 2 của TPHCM. Ngay từ trên bản đồ quy hoạch, các phân khu này đã được kỳ vọng sẽ chia lửa cho CBD hiện tại và gia tăng động lực phát triển của thành phố với các công trình có quy mô lớn, đáp ứng đa chức năng về thương mại, tài chính, hội chợ, triển lãm, hội nghị quốc tế, giải trí, du lịch, dịch vụ, khu đô chính, khách sạn và các tiện nghi phục vụ đời sống chất lượng cao…
Một cam kết “Đặt lợi ích cư dân lên trên lợi ích kinh doanh”
Dự án khu Hồ Bán Nguyệt được động thổ xây dựng vào ngày 25/3/2008. Giai đoạn 1 của dự án bao gồm 4 toà nhà cao 7 tầng, trong đó có một toà cao ốc diện tích 9.590 m2 làm văn phòng cho thuê và 3 toà còn lại cung cấp 276 căn hộ dịch vụ. Tầng trệt và tầng 2 của mỗi tòa nhà là cửa hàng bán lẻ với tổng diện tích 22.000 m2 dành cho các ngành thương mại khác nhau và các cửa hàng ẩm thực.
Đến tháng 5/2009, chủ đầu tư này tiếp tục khởi công xây dựng cầu Ánh Sao bắt qua rạch Thầy Tiêu, nối liền công viên Ánh Trăng (quy mô 1,5 ha) và khu The Crescent. Với chiều dài 170 m, cầu Ánh Sao kéo dài lối đi bộ dọc Hồ Bán Nguyệt lên 900 m.
Chỉ 2 tháng sau đó, trung tâm mua sắm Crescent Mall giai đoạn 1 cũng được tổ chức khởi công. Đây là một trong những trung tâm mua sắm đầu tiên tại Việt Nam theo loại hình “mall”.
Các tòa căn hộ cho thuê, Crescent Residence 1 – 2 – 3, lần lượt đi vào hoạt động từ đầu năm 2010, thu hút lượng khách thuê ổn định quanh năm với cư dân đa phần là người nước ngoài.
Cầu Ánh Sao được khánh thành vào tháng 4 cùng năm, trở thành điểm đến check-in “không thể bỏ qua” với du khách khi đến với TPHCM. Năm 2013, cầu Ánh Sao vào danh sách “100 điều thú vị của TPHCM” do Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch TPHCM bình chọn. Cùng năm này, công trình còn nhận huân chương Arthur G. Hayden của Hội nghị Cầu đường Quốc tế (IBC).
Trung tâm thương mại Crescent Mall đi vào hoạt động vào tháng 11/2011, trở thành một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất cả nước ở thời điểm đó; đến 2020, giai đoạn 2 của công trình cùng với tòa nhà Phú Mỹ Hưng tower cũng đã khai trương, bổ sung thêm 65.000 m2 sàn thương mại, bán lẻ, văn phòng… Không chỉ phục vụ mua sắm – ăn uống – giải trí cho người dân tại đây, Crescent Mall dần trở thành điểm hẹn cuối tuần cho hàng nghìn cư dân phía Nam thành phố và các tỉnh thành lân cận.
Với giới đầu tư bất động sản, có lẽ không ai không nhận ra những công trình này được xây dựng vào giai đoạn thị trường đang đối diện với một đợt suy thoái nghiêm trọng. Bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường bất động sản Việt Nam lúc bấy giờ được cho là đang bước vào chu kỳ thoái trào. Theo số liệu của Savills, giá nhà đất lúc đó ước tính lao dốc 30-40% chỉ trong thời gian ngắn. Tồn kho bất động sản năm 2012 lên tới trên 100.000 tỷ đồng.
Trong khi rất nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc co cụm để “vượt bão”, Phú Mỹ Hưng lại đổ hàng nghìn tỷ đồng xây dựng những công trình phục vụ cộng đồng. Cam kết “Đặt lợi ích của cư dân lên trên lợi ích kinh doanh” có lẽ, chưa bao giờ rõ nét đến vậy.
Phú Mỹ Hưng đang trong giai đoạn hoàn thiện dự án Phu My Hung The Horizon, dự án căn hộ thương mại duy nhất nằm trong khu The Crescent kể từ năm 1993 đến nay. Đây là cơ hội duy nhất cho những ai mong muốn sở hữu một bất động sản lâu dài và tận hưởng toàn bộ tiện ích cao cấp của khu vực mỗi ngày.
Theo tiết lộ của chủ đầu tư, đây là dự án căn hộ đầu tiên, Phú Mỹ Hưng tiến vào phân khúc hạng sang với chỉ 166 căn. Vì vậy, tự bản thân dự án này cũng đã “chọn lọc” khách hàng, là những người thực sự quan tâm và có nhu cầu sở hữu căn hộ Phu My Hung The Horizon.
Tôi không phải dân bản xứ nên không có nhiều ký ức về quá trình lột xác của Phú Mỹ Hưng. Nhưng tôi rất ấn tượng với cách khu đô thị này xây dựng nên một cộng đồng văn minh hiện đại. Gần như ngày nào tôi cũng sang đây đi bộ hoặc ăn uống, dạo chơi ở Crescent Mall nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng xả rác, thả rong thú cưng hay la hét ồn ào như những khu vực khác”Chị Như Lan – cư dân quận 7, TPHCM.